Từ ý thơ Thanh Hải đến quan niệm sống hôm nay

Đi giữa mùa xuân đất nước, cuốn trong dòng thời đại hôm nay, ta bỗng nhớ da diết về Thanh Hải về bài thơ ngập tràn hình ảnh mùa xuân đất nước mùa xuân dân tộc và đặc biệt là khát vọng sống cao đẹp khiêm nhường của tác giả gửi gắm qua khổ thơ

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Khổ thơ trên nằm trong bài thơ” Mùa xuân nho nhỏ”của Thanh Hải. Đây là một sáng tác của nhà thơ trước khi từ giã cõi đời. Nhà thơ đã gửi gắm cảm xúc chân thành mãnh liệt, tình yêu thiên nhiên đất nước trước mùa xuân cách mạng. Bài thơ là một lời tâm niệm của tác giả trước lúc đi xa và là bài thơ hay đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát” Một mùa xuân”. Với khổ thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

đã thể hiện mong muốn sống có ích, cống hiến cho đời như một lẽ tự nhiên, khiêm nhường tha thiết của nhà thơ. Với thể thơ 5 chữ, cách gieo vần đầy biến hóa, câu thơ giàu nhạc điệu đặc biệt hình ảnh bất ngờ lí thú Một mùa xuân nho nhỏ đã thể hiện khát vọng sống cao đẹp , muốn làmMột mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời. Từ đó mở ra một suy nghĩ về ý nghĩa giá trị sống của mỗi cá nhân là sống có ích, cống hiến cho cuộc đời chung. Đó là lẽ sống đẹp sống cống hiến cho cuộc đời một cách khiêm nhường , tha thiết. Ước muốn khiêm tốn chân thành ấy là mỗi con người sẽ là một màu xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân lớn, mùa xuân bất tuyệt của đất nước. Muốn cống hiến cho cuộc đời từ lúc đôi mươi đến hết cả cuộc đời. Nếu như Tố Hữu đã chọn lí tưởng sống của mình là

                                 ” Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

                                  Mặt trời chân lí chói qua tim”

và ông quan niệm :

” Nếu là con chim chiếc lá

            con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả,

           Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình ”

Đó là lẽ sống cho và nhận vay và trả. Tố Hữu quan niệm rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ: mình vì mọi người mọi người vì mình. Còn Thanh Hải khiêm nhường hơn, tha thiết hơn không cần vay trả mà lặng lẽ cống hiến . Ước nguyện ấy, tình yêu ấy đã được nhà thơ Thanh Hải kính dâng cho cuộc đời, kính dâng cho nhân dân, đất nước. Đó là điều tâm niệm đau đáu của nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, đang sống. Bài thơ như một lời để lại trước lúc ra đi vẫn một mực nghĩ đến cuộc đời, đến hòa nhập và dâng hiến.

            Từ ước nguyện của nhà thơ, mỗi chúng ta hôm nay – những người con của dân tộc Việt Nam hôm nay, những người sống trong mùa xuân đất nước có suy nghĩ gì? xác định cho mình lí tưởng sống ra sao? Vâng! Không thể khác chính là học tập rèn luyện và tu dưỡng thật tốt, tránh xa những trò chơi vô bổ, tránh xa những đam mê chết người. Tránh xa những cám dỗ tầm thường, những toan tính nhỏ nhen ích kỷ. Nếu không được như Thanh Hải chỉ dâng hiẽn thì cũng hãy như Tố Hữu : Cho và nhận, vay và trả và phải là con chim biết hót chiếc lá phải xanh. Hãy sống và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại . Hãy sống có lí tưởng có hoài bão có niềm tin. Phải có kiến thức có nghị lực và khát vọng đi lên. Thiết thực hơn chúng ta hãy vì nụ cười, vì niềm vui trong mỗi gia đình, vì miềm quê Lào Cai thân yêu. Hãy gắn bó yêu thương đoàn kết và chia sẻ. Từ mỗi lời tuyên truyền với gia đình cộng đồng; Từ việc chăm sóc mẹ cha đến dạy dỗ con trẻ; Từ giữ gìn nếp sống văn hóa nơi cơ quan trường học. Hãy trách nhiệm hơn với thế giới xung quanh. Không thờ ơ khi thấy một người đi đường bị bắt nạt, không như ai kia nhìn thấy kẻ gian móc ví lấy tiền không giám can ngăn. Từ biết xấu hổ là khi… hay hân hoan là lúc…; Từ chăm chỉ lao động xây dựng quê hương mỗi ngày một tươi đẹp hơn; Từ việc làm vì người khác nhiều hơn. Đừng để phải ngậm ngùi nuối tiếc về sau. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta và hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?.   


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *